Bệnh Lý Thái Dương Hàm
Khi răng hàm trên và răng hàm dưới cắn vào nhau sẽ tạo thành “khớp cắn”. Nếu răng không khớp nhau tốt thì bạn sẽ có tình trạng” khớp cắn sai”.” Sai khớp cắn” có thể gây ra các vấn đề về răng, nướu, khớp Thái Dương Hàm và cơ vùng hàm mặt.
Bệnh lý Thái Dương Hàm có thể có biểu hiện là hiện tưởng siết chặt hai hàm và nghiến răng khi ngủ dẫn đến đau vùng mặt, đau đầu, khó chịu, khớp Thái Dương Hàm kêu lụp cụp khi nhai, há miệng, đau nửa đầu, thậm chí đau nhứt cổ, vai và lưng.
Nếu bạn thấy bản thân mình có một trong bất cứ dấu hiệu nào kể trên thì nên đến Bác sĩ Răng Hàm Mặt để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Những điều trị căn bản tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý cụ thể bao gồm: mang máng chống nghiến vào ban đêm để bảo vệ răng, mang máng nhai cả ngày lẫn đêm để thư giãn cơ, chỉnh nha hay phẫu thuật chỉnh hàm nhằm tái tạo khớp cắn đúng, phục hồi thay thế răng bị mất trên cung hàm, thay đổi điều chỉnh những phục hình cũ chưa đúng…
Điều quan trong nhất là bạn nên đến Bác sĩ Răng Hàm Mặt sớm nhất khi có những vấn đề nêu trên xảy ra, để ngăn ngừa bệnh diễn tiến xấu hơn theo thời gian và rất khó điều trị.
Nội dung bài viết
Khớp Thái Dương Hàm là gì?
Là khớp nối giữa hàm dưới và sọ mặt, nằm ngay phía trước lỗ tai ở cả hai bên. Khớp này giúp cho hàm dưới cử động há, ngậm, đưa sang hai bên, nói, nhai, ngáp, … Có các cơ bám vào khớp và các thành phần quanh khớp để kiểm soát vị trí và chuyển động của hàm dưới.
Nguyên nhân dẫn đến loạn năng Thái Dương Hàm:
Chấn thương hàm, chấn thương khớp Thái Dương Hàm, chấn thương các cơ vùng đầu cổ.
Nghiến răng hoặc siết chặt răng gây quá tải lực trên khớp Thái Dương Hàm.
Trật dĩa khớp của khớp Thái Dương Hàm.
Viêm khớp dạng thấp hay viêm khớp ở khớp Thái Dương Hàm.
Stress gây ra hiện tượng siết chặt cơ mặt, cơ hàm, siết chặt răng.
Các triệu chứng của loạn năng Thái Dương Hàm
Triệu chứng thay đổi từ cơn đau dữ dội hay sự khó chịu xảy ra trong nhiều năm hay trong thời gian ngắn, thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới, lứa tuổi thuờng gặp là từ 20 đến 40 tuổi.
Đau hoặc nhạy cảm cơ vùng mặt, vùng khớp hàm, cơ cổ, cơ vai và/hoặc đau vùng quanh tai khi nhai, nói hoặc há miệng lớn.
Há miệng hạn chế.
Hàm có thể bị khóa khi há to hoặc ngậm.
Nghe tiếng lụp cụp hoặc lạo xạo trong khớp hàm, có hoặc không kèm theo đau khi há hoặc ngậm miệng.
Cảm giác mệt mỏi vùng mặt.
Nhai khó hoặc đột nhiên cắn rất khó, cảm giác răng hai hàm không khít sát vào nhau.
Bị sưng vùng phía bên của mặt.
Điều trị loạn năng Thái Dương Hàm
Điều trị loạn năng Thái Dương Hàm đi từ các bài tự tập luyện đơn giản, điều trị bảo tồn, đến điều trị xâm lấn có phẫu thuật. Tuy nhiên, điều trị phẫu thuật cũng không chắc chắn đảm bảo loại trừ được hoàn toàn bệnh lý.
Các điều trị căn bản
Luyện tập cơ hàm theo hướng dẫn.
Chườm nóng hoặc chườm lạnh.
Ăn mềm.
Uống thuốc theo đơn.
Mang máng nhai hoặc máng chống nghiến.
Các điều trị khác:
Khi các điều trị căn bản không thành công, Bác sĩ sẽ đưa ra một số điều trị khác chuyên sâu:
Điều trị thư giản cơ với xung điện thấp tần (TENS)
Giảm đau với tia hồng ngoại, cải thiện vận động hàm.
Tiêm thuốc giảm đau hoặc thuốc gây tê vào điểm khởi phát đau cơ.
Liệu pháp sóng radio kích thích lưu thông máu vùng khớp, làm giảm đau.
Phẫu thuật khớp Thái Dương Hàm: chỉ thực hiện khi tất cả các liệu pháp trên thất bại, bệnh nhân vẫn đau dữ dội và đau dai dẳng.
Phẫu thuật nội soi khớp.
Phẫu thuật khớp mở.